Một trong những món ăn đặc sản của người Hà Nội là món bún Thang. Đây là
món bún với cách nấu rất cầu kỳ, ngay cả nguyên liệu cũng nhiều vị( khoảng 20
vị). Đúng như ai đó đã từng nói “ nấu bún thang cũng cầu kỳ như lễ nghĩa của
người Hà Nội”, chỉ thiếu một nguyên liệu thôi đã mất đi cái vị ngon đậm đà của
món bún này. Ai cũng có thể nấu được bún Thang, nhưng để nấu ngon món này,
không phải dễ. Mình đã làm độ khoảng 7 hay 8 lần bún thang nhưng chưa bao giờ
hài lòng với vị bún vì một phần không đủ nguyên liệu, một phần vì mình chưa đủ
độ đạt trong việc giữ lửa cho nước dùng thật trong và chuẩn bị nguyên liệu tốt.
Với bản thân mình mà nói, bún thang gắn liền cả tuổi thơ của mình. Nó nhắc
mình nhớ đến tuổi thơ nghèo khó với những buổi trưa đi học ngang qua
hàng bún, chỉ dám liếc mắt nhìn người ta ăn chứ không dám đứng lại, vì bố mẹ cứ
nhắc đi nhắc lại “ đi qua hàng quán cấm đứng lại nhìn, thế là bất lịch sự,
người ta sẽ coi thường mình tưởng mình là ăn mày”. Một trong những lí do mình
thích ăn bún có lẽ là do hồi bé thèm quá nên lớn phải ăn bù chăng? :D
Mai này lớn lên một chút, lần đầu được ăn bún thang khi nhà đã có
điều kiện hơn rất nhiều. Nhớ hôm đó là hôm bố mẹ đưa mình đi đo kính cận ở Tràng
Tiền, rồi cho đi ăn bún thang trong phố cổ. Hàng đó ngon lắm. Về sau mình liệt
bún thang là một trong những món iu thích nhất của mình.
Hi hi, ,nói hơi bị nhiều rùi.
Hôm nay, thèm bún thang quá nên nấu ăn chơi. Tuy thiếu tùm lum nguyên liệu
nhưng mà để ăn cho bớt thèm thì cũng được.
NGUYÊN
LIỆU: cho hai người
½ con gà
Ba quả trứng luộc
2 quả trứng đánh tơi để tráng
Khoanh giò
Tôm khô
Nấm, mộc nhĩ
Rau: Hành lá, rau răm, rau mùi, gừng, chanh tươi, ớt tươi( nếu có thêm mùi
tàu thì sẽ thơm lắm)
Gia vị: Nước mắm, mì chính, hạt tiêu, bột canh, mắm tôm
Bún sợi nhỏ
CÁCH
LÀM:
Gà rửa sạch bỏ vào nồi luộc chính, sau đó vớt ra để nguội.
Mình không mua xương heo về ninh lấy nước ngọt vì mình thích vị ngọt thanh, trong, béo ngậy của xương và thịt gà nên lấy nước đó làm nước dùng ăn với bún thang.
Sau khi thịt gà chín thì xé nhỏ để ra đĩa còn xương thì cho lại vào nồi đun
lấy nước ngọt.
Để nước dùng được trong thì để lửa nhỏ thôi và thường xuyên vớt bỏ bọt.
Xào thịt gà với chút mắm và mì chính cho vị đậm đà.
Nước dùng: Đun nước dùng đến khi xương gà nhừ thì vớt bỏ vứt đi, bỏ tôm khô
vào đun cùng. Tôm khô càng nhiều thì vị của nước càng ngọt. Sau đó thì bỏ nấm
vào nồi nước( nấm có tác dụng là hút mặn đồ ăn nên nếu giả sử có cho quá tay mà
nồi nước dùng hơi bị mặn thì cũng không sao hết) và chút mắm tôm cho dậy mùi
(không nên cho nhiều sẽ làm mất đi mùi thơm của nấm hương). Cuối cùng nêm nếm
gia vị vừa ăn. Gừng nên bỏ vào nồi nước dùng khoảng nửa tiếng trước khi ăn rồi
vớt bỏ đi vì vị gừng đun lâu sẽ mất mùi và làm hăng nước???( cái này thì bà bán
bún thang ở Hà Nội dậy mình).
Bún: Gói bún khô luộc chín rồi cho vào nước lạnh để đỡ bị dính sợi
bún. Khi luộc có thể cho chút dầu ăn cho tơi sợi bún( nếu ăn trong ngày), nếu
muốn để sang ngày hôm sau bún thì không nên cho dầu ăn vào sẽ làm thiu bún, nhớ
cho thêm chút muối.
Ba quả trứng luộc thái thành múi cau để ra đĩa.
Hai quả trứng đánh tơi, nêm nếm gia vị nhạt rồi bắc chảo lên tráng thật
mỏng. Sau khi tráng thì thái sợi chỉ mỏng và bé thôi.
Giò cũng thái sợi thật nhỏ
Mộc nhĩ thái sợi thật nhỏ ( mình không có cải muối nên cho mộc nhĩ vào ăn thế
vì nó cũng có vị sần sật), sau đó xào lên với chút gia vị.
Hành hoa thái nhỏ với rau răm. Củ hành thì tước nhỏ thành sợi.
Trình bày:
Bún bỏ vào bát tô, để trứng thái sợi một góc, giò một góc, gà xé một góc,
mộc nhĩ một góc ( nếu có lạp xườn thì để một góc còn lại); sau rắc hành hoa,
rau răm và rau mùi tàu ở giữa, rồi đặt vài miếng trứng luộc ở giữa. Chan nước
dùng có cả tôm khô và nấm trong nồi nước.
Yum Yum, món bún thang rất ngon đấy. Ăn chung với chanh tươi và ớt tươi thì
tuyệt vời. Có lần một người bạn của mình ăn món này tới hai hay ba bát đến mức
không thể đi được cơ đấy ^^